Hội thảo Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR-AR) trong dạy - học kỹ năng lâm sàng
Trần Anh Quốc | HueUMP | 29-12-2022
Ngày 27/12/2022, Hội thảo Ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR-AR) trong dạy - học kỹ năng lâm sàng trong khuôn khổ Chương trình Khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2019 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai, thảo luận về khả năng ứng dụng và qua đó có thể nghiên cứu đề xuất ý tưởng nhân rộng ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR-AR) trong đào tạo y khoa tại Nhà trường.

Trong xu thế hội nhập và quốc tế hóa giáo dục và y tế, Trường Đại học Y – Dược Huế đã không ngừng đổi mới chương trình đào tạo dựa trên năng lực, áp dụng công nghệ hiện đại trong trong giáo dục và đánh giá năng lực sinh viên. Chương trình khoa học và công nghệ (KHCN) “Nghiên cứu xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin triển khai và đánh giá hiệu quả mô hình kết hợp dạy học, lượng giá ubiquitous, mô phỏng thực tế ảo với các phương pháp giảng dạy hiện đại trong đào tạo và đánh giá năng lực nghề nghiệp y khoa” do Giáo sư Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Quốc Huy chủ trì đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thực hiện từ năm 2019 bao gồm 06 đề tài KHCN cấp Bộ về việc xây dựng, triển khai và đánh giá hiệu quả của các mô hình ubiquitous learning/testing và blended learning kết hợp thuyết trình trên lớp và E-learning có sử dụng mô phỏng thực tại ảo theo hướng tiếp cận dựa trên tình huống trong giảng dạy các nội dung về hình thái học, chẩn đoán hình ảnh, kỹ năng giao tiếp và biện luận lâm sàng. Việc triển khai Chương trình KHCN này là một tất yếu trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt góp phần giúp Nhà trường chủ động trong hoạt động đào tạo, ứng phó linh hoạt trong giai đoạn đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua.

Công nghệ mô phỏng ảo và thực tế ảo ngày nay đã được nhiều trường đại học y khoa trên thế giới áp dụng trong các chương trình đào tạo tiền lâm sàng và đào tạo lâm sàng, cung cấp cho sinh viên, học viên những cách tiếp cận mới mẻ, dễ tiếp thu, cho phép sinh viên luyện tập các kỹ năng và lặp lại một cách không giới hạn các tình huống cụ thể giúp họ khắc phục những thiếu sót về các kỹ năng lâm sàng trong môi trường y khoa an toàn. Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong đào tạo y khoa hiện còn khá mới mẻ. Vừa qua, trong khuôn khổ chương trình KHCN cấp Bộ năm 2019 của Nhà trường, Trung tâm Y học gia đình cùng các chuyên gia đã xây dựng và triển khai thí điểm chương trình giảng dạy theo mô hình blended learning có sử dụng thực tế ảo trong đào tạo kỹ năng lâm sàng cho sinh viên y khoa.

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Chương trình Hội thảo lần này gồm các bài báo cáo về quá trình xây dựng, triển khai và đánh giá hiệu quả áp dụng mô hình giảng dạy kết hợp blended learning có sử dụng công nghệ thực tế ảo và các phiên trải nghiệm công nghệ thực tế ảo, đóng góp ý kiến sôi nổi của hơn 50 hội thảo viên là các giảng viên ở các khoa/ bộ môn giảng dạy lâm sàng tại Nhà trường. GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng, Chủ nhiệm chương trình KHCN cấp Bộ năm 2019 chia sẻ tại Hội thảo về những nỗ lực của Nhà trường trong việc tăng cường chất lượng đào tạo, phát triển đa dạng các phương pháp mô phỏng trong đào tạo kỹ năng lâm sàng và định hướng tiên phong công nghệ hóa trong phương pháp giáo dục y khoa. Công nghệ mô phỏng ảo và thực tế ảo được Nhà trường kì vọng là một trong những công cụ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách phương pháp giáo dục hiện đại tại Nhà trường, cung cấp cho thế hệ sinh viên tương lai, những người đã quen ứng dụng công nghệ vào giáo dục, một nền tảng học tập lý thú, hiệu quả và an toàn.

PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm chia sẻ về việc ứng dụng VR-AR trong dạy-học tại Nhà trường

Trong buổi hội thảo lần này, PGS.TS. Nguyễn Minh Tâm, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Giám đốc Trung tâm Y học gia đình đã chia sẻ thêm về mô hình giảng dạy blended learning kết hợp giữa các hoạt động dạy và học theo phương thức truyền thống và trực tuyến thời gian vừa qua được áp dụng trong các chương trình giảng dạy đại học và sau đại học tại Trung tâm Y học gia đình đã phát huy được các ưu điểm của các phương pháp dạy – học truyền thống và trực tuyến, giúp người học rèn luyện ý thức tự học, tính chủ động trong việc lựa chọn không gian học, thời gian học. Các giải pháp được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR), 360 độ và thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR) sẽ là những công cụ bổ trợ hữu ích cho hoạt động dạy - học các kỹ năng tiền lâm sàng, kỹ năng giao tiếp và các kỹ năng lâm sàng. Những kết quả ban đầu của việc ứng dụng mô hình giảng dạy kết hợp blended learning có sử dụng công nghệ thực tế ảo trong học phần Y học gia đình cho thấy tiềm năng và tính khả thi của các ứng dụng này trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng hóa các phương pháp đào tạo và đánh giá năng lực người học cũng như giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Nhà trường.

Các hội thảo viên cũng đã có những trải nghiệm thực tế với công nghệ thực tế ảo được xây dựng trong học phần Y học gia đình và đóng góp những thảo luận sôi nổi về các vấn đề xoay quanh hiệu quả của ca bệnh thực tế ảo trong việc dạy - học kỹ năng biện luận lâm sàng, về các khó khăn, thách thức cùng cơ hội đối với công tác dạy - học các kỹ năng tiền lâm sàng, kỹ năng lâm sàng trong chương trình đào tạo y khoa tại Nhà trường.

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:

 

CÙNG CHUYÊN MỤC

Hội thảo khoa học và Đại hội Hội Tiêu hóa Thừa Thiên Huế, nhiệm kỳ 2023-2028

Câu lạc bộ Anh văn Bộ môn Nội (IMEC) tổ chức chương trình Hội thảo khoa học đặc biệt chào đón Giáng sinh

Hội thảo Khoa học “Cập nhật về Tiêu hóa - Gan mật năm 2022” Best of Hepato – Gastro - Enterology 2022