Lễ hội chào mừng ngày Quốc tế Điều Dưỡng 12/5 tại Trường Đại học Y Dược Huế.
Ngày 12/5 được Hội đồng Điều dưỡng Thế giới chọn làm Ngày Điều dưỡng Thế giới để tưởng nhớ công lao của Bà Florence Nightingale (1820 – 1910) – người khai sinh ra Ngành Điều dưỡng và có nhiều công lao trong việc xây dựng Ngành này. Bà là người đầu tiên đặt nền tảng về vệ sinh trong các cơ sở y tế, khẳng định tầm quan trọng của Người điều dưỡng trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh. Bà đã trở thành người mẹ tinh thần của Ngành Điều dưỡng thế giới.
Điều dưỡng viên được ví như mắt xích quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, thực hiện nhiệm vụ giúp người bệnh điều trị và phục hồi sau chẩn đoán của bác sĩ. Luôn song hành với bác sĩ trong công tác khám chữa bệnh, Điều dưỡng viên là người tiếp xúc và gắn bó với bệnh nhân nhiều nhất. Với tiêu chí chăm sóc toàn diện cho người bệnh, điều dưỡng vận dụng kiến thức và kỹ năng để giúp đỡ người bệnh nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, giảm đau đớn về mặt thể chất, tinh thần và biết cách tự chăm sóc bản thân. Là người chăm sóc bệnh nhân 24/24, Điều dưỡng hỗ trợ bệnh nhân về vệ sinh, ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, theo dõi những diễn biến trên người bệnh để có kế hoạch chăm sóc phù hợp nhất, thực hiện các kỹ thuật chăm sóc và y lệnh của bác sỹ, đảm bảo an toàn giúp người bệnh mau chóng hồi phục.
Người ta ví Điều dưỡng là nghề “làm dâu trăm họ” vì đối tượng mà Điều dưỡng tiếp xúc là người bệnh, thân nhân người bệnh. Mỗi con người nói chung, đối với người bệnh nói riêng thì không ai giống ai, mỗi người một tính cách, từ bệnh tật cho đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử và để gần gũi, hiểu được điều người bệnh muốn, thực sự không phải là chuyện dễ, vì vậy nếu không có sự yêu thương và thực sự yêu nghề thì không thể làm được công việc này. Là Điều dưỡng, ngoài trình độ chuyên môn còn phải biết lắng nghe, nắm bắt những tâm tư tình cảm của người bệnh.
Hiện nay, mặc dù trình độ đào tạo và phạm vi thực hành của điều dưỡng đã có nhiều thay đổi, song trong nhận thức chung về vai trò của người điều dưỡng chưa được cập nhật phù hợp với thực tế. Phần đông vẫn chưa coi trọng và thậm chí khá khắt khe với những người điều dưỡng. Chính điều đó đã tạo áp lực vô hình lên đôi vai những con người thầm lặng này. Nghề cao quý lắm, nhưng vất vả, đắng cay vẫn còn nhiều...Quả đúng vậy, ai trong nghề Điều dưỡng phải là người biết chấp nhận hi sinh, can đảm, chịu được áp lực công việc, bởi dấn thân vào nghề này đồng nghĩa với việc chấp nhận thiệt thòi cá nhân. Phải thực sự yêu nghề, có năng lực và phải có một tấm lòng nhân hậu mới đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp....
Một số hình ảnh hoạt động: