Nghiệm thu đề tài Khoa học Công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư từ các loài thuộc chi Hedyotis thuộc họ Cà phê (Rubiaceae) có ở Việt Nam”
Võ Quốc Hùng | | 22-09-2017
Ngày 13/09/2017, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài (Khoa Dược-Trường ĐH Y Dược Huế) và các thành viên của nhóm nghiên cứu đã báo cáo nghiệm thu đề tài Khoa học Công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư từ các loài thuộc chi Hedyotis thuộc họ Cà phê (Rubiaceae) có ở Việt Nam”.

Ngày 13/09/2017, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài (Khoa Dược-Trường ĐH Y Dược Huế) và các thành viên của nhóm nghiên cứu đã báo cáo nghiệm thu đề tài Khoa học Công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư từ các loài thuộc chi Hedyotis thuộc họ Cà phê (Rubiaceae) có ở Việt Nam” tại Đại học Huế.

Hướng đến việc phát triển thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt bệnh ung thư, đề tài đặt ra hai mục tiêu quan trọng là sàng lọc tác dụng ức chế sự phát triển tế bào ung thư của các loài thuộc chi Hedyotis L. có ở Việt Nam và tìm kiếm các hợp chất có tác dụng ức chế phát triển tế bào ung thư hiệu quả từ loài có tác dụng tốt.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài báo cáo nghiệm thu đề tài
PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài báo cáo nghiệm thu đề tài

Thực hiện trong 2 năm, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 30 loài thuộc chi Hedyotis L. từ 8 tỉnh thuộc khu vực miền Trung và miền Nam, Việt Nam, để tiến hành sàng lọc hoạt tính ức chế trên tế bào ung thư. Dựa trên kết quả sàng lọc, loài An điền nón (tên khoa học là Hedyotis pilulifera) đã được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu thành phần hóa học. Có 21 hợp chất tinh khiết đã được phân lập và xác định cấu trúc từ phần trên mặt đất của loài này, đặc biệt có 1 hợp chất mới lần đầu tiên được phân lập từ tự nhiên. Các hợp chất được tiếp tục thử tác dụng trên 7 dòng tế bào ung thư, từ đó có 3 chất được xác định là có tác dụng ức chế sự phát triển. Bên cạnh mục tiêu đề ra ban đầu, đề tài còn khảo sát thêm hoạt tính kháng khuẩn của các hợp chất phân lập được, cho thấy có 3 hợp chất có tác dụng kháng khuẩn mạnh trên nhiều chủng vi khuẩn thử nghiệm.

Dựa trên các kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đã công bố 2 bài báo trên tạp chí chuyên ngành trong nước (Tạp chí Dược học và Tạp chí Dược liệu số tiếng Anh) và đặc biệt là 2 bài báo trên tạp chí chuyên ngành quốc tế thuộc danh mục ISI (Natural Product Communications 2016, 11(3), pp.365-367 và Pharmaceutical Biology 2017, 55(1), pp.787-791), ngoài ra còn góp phần đào tạo 1 Thạc sĩ, 5 Dược sĩ Đại học. Một phần kết quả của đề tài được báo cáo và đạt giải Nhất tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ các trường Đại học và Cao đẳng Y Dược Việt Nam lần thứ XVIII - năm 2016.

Sau khi thảo luận và cho ý kiến, các thành viên hội đồng đều đánh giá cao hàm lượng khoa học, độ tin cậy cũng như tiềm năng ứng dụng của đề tài và thống nhất đồng ý nghiệm thu đề tài với kết quả xếp loại xuất sắc. Hội đồng cũng đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục kế thừa và phát triển tiếp kết quả nghiên cứu mà đề tài đã đạt được nhằm mở ra hy vọng mới cho việc phát triển các sản phẩm chống ung thư từ dược liệu.

Chủ nhiệm đề tài (thứ tư từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng
Chủ nhiệm đề tài (thứ tư từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng

Nhóm nghiên cứu Hợp chất thiên nhiên (Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Huế, Đại học Huế)
Nhóm nghiên cứu Hợp chất thiên nhiên (Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Huế)

CÙNG CHUYÊN MỤC

Lễ tốt nghiệp và trao bằng Bác sĩ, Dược sĩ, Cử nhân hệ chính quy năm học 2023-2024.

Hội nghị thường niên Hội chỉnh hình Nhi khoa Việt Nam lần thứ 17 tại Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế

Sinh viên Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế tham gia Cuộc thi Hóa sinh Quốc tế 2024 lần thứ I.