Hợp tác nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung
Hồ Đăng Phương Thảo | | 10-12-2019
Ngày 12/10, trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, Trường ĐH Y Dược Huế phối hợp với ĐH Yonsei, Hàn Quốc tổ chức Hội thảo triển khai đề tài nghiên cứu theo Nghị định thư “Hợp tác nghiên cứu ứng dụng trí tuê nhân tạo (Artificial Interlligence – AI) trong sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung”. Dự án sẽ được tiến hành trong 3 năm, dự kiến khoảng 7.000 đến 8.500 phụ nữ sẽ được hưởng các dịch vụ sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Ngày 12/10, trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, Trường ĐH Y Dược Huế phối hợp với ĐH Yonsei, Hàn Quốc tổ chức Hội thảo triển khai đề tài nghiên cứu theo Nghị định thư “Hợp tác nghiên cứu ứng dụng trí tuê nhân tạo (Artificial Interlligence – AI) trong sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung”. Dự án sẽ được tiến hành trong 3 năm, dự kiến khoảng 7.000 đến 8.500 phụ nữ sẽ được hưởng các dịch vụ sàng lọc ung thư cổ tử cung.


Hội thảo triển khai đề tài được tổ chức tại Trường ĐH Y Dược Huế

Đề tài thuộc chương trình hợp tác Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2019-2022 giữa Bộ KHCN Việt Nam và Bộ KHCN và Thông tin Hàn Quốc. Đề tài tập trung vào công tác kiểm soát bệnh lý ung thư cổ tử cung, đây là loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ Việt Nam và được Tổ chức y tế thế giới (WHO) dự báo có thể tăng lên 25% bao gồm cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong nếu không được sàng lọc và dự phòng trong 10 năm tới. Công tác sàng lọc ung thư cổ tử cung hiện vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt những nơi hạn chế về nguồn lực như các vùng nông thôn, miền núi. Cách tiếp cận sàng lọc truyền thống đã có những hiệu quả đáng kể nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế khi các can thiệp sàng lọc chỉ thực hiện ở những nơi được đào tạo về các kỹ thuật sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong sàng lọc ung thư cổ tử cung là phương pháp tiếp cận mới, hiện đại dựa trên ứng dụng sức khỏe trên điện thoại thông minh. Công nghệ AI kết hợp với dịch vụ dữ liệu di động có thể giúp cải thiện hiệu quả sàng lọc ung thư cổ tử cung vì có thể áp dụng đối với các tuyến nhân viên y tế chỉ được đào tạo cơ bản và thậm chí cả những cán bộ y tế không phải chuyên sâu cũng có thể sử dụng thiết bị để chụp hình ảnh cổ tử cung sau test acid acetic (kỹ thuật VIA), chuyển qua mạng viễn thông đến cơ sở dữ liệu và được xử lý bằng công nghệ AI. Công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra gợi ý giúp xác định các trường hợp bình thường hoặc bất thường ngay sau đó, với độ chính xác cao, tiện lợi và đòi hỏi chi phí thấp hơn.


Hội thảo triển khai đề tài được tổ chức tại Trường ĐH Y Dược Huế

Trong quá trình thực hiện, Trường Đại học Y Dược Huế sẽ cung cấp dịch vụ sàng lọc bệnh lý ung thư cổ tử cung cho khoảng 70 xã có nguồn lực y tế hạn chế thuộc 3 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, các dịch vụ sàng lọc theo khuyến cáo của Bộ Y tế gồm khám phụ khoa, làm phiến đồ tế bào cổ tử cung, kỹ thuật VIA và xét nghiệm HPV. Đối tác từ phía ĐH Yonsei, Hàn Quốc sẽ hợp tác xây dựng và cung cấp ứng dụng sàng lọc ung thư cổ tử cung tích hợp trên điện thoại thông minh dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo – AI. Quy trình sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI sẽ áp dụng sàng lọc cho các tuyến y tế cơ sở, nơi không có các bác sĩ chuyên sâu về sàng lọc ung thư cổ tử cung. 

Các kết quả nghiên cứu hứa hẹn sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho những người làm công tác y tế tại địa phương, đồng thời giúp cho cơ quan chủ trì và cơ sở ứng dụng có số liệu cụ thể để vạch ra các chiến lược hoạt động kiểm soát tốt hơn bệnh lý ung thư cổ tử cung nói riêng và công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói chung.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC

Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế lần thứ XXII, năm 2024

Lễ tốt nghiệp và trao bằng Bác sĩ, Dược sĩ, Cử nhân hệ chính quy năm học 2023-2024.

Hội nghị thường niên Hội chỉnh hình Nhi khoa Việt Nam lần thứ 17 tại Trường Đại học Y – Dược, Đại học Huế