Gian hàng giới thiệu sản phẩm khoa học công nghệ của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế tại Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV
Nguyễn Thị Thu Mai | HueUMP | 05-04-2025
Trong hai ngày từ ngày 3 đến 4/4/2025, tại thành phố Huế, Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp với Hội Nữ trí thức thành phố Huế tổ chức Hội nghị nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV. Tại Hội nghị, các sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do TS.BS. Hoàng Thị Ngọc Hà làm chủ nhiệm đã vinh dự được lựa chọn là 01 trong 20 gian hàng tiêu biểu trưng bày sản phẩm khoa học và công nghệ tại Hội nghị.

         Tham dự hội nghị, về phía lãnh đạo thành phố Huế có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Chí Tài – Uỷ viên Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế và đại diện các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; về phía Hội LHPN Việt Nam có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; lãnh đạo Hội Nữ trí thức Việt Nam, Hội Nữ trí thức thành phố Huế và hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, nữ trí thức đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

          Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe vì sự phát triển bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên", Hội nghị lần này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nữ trí thức Việt Nam đối với các vấn đề cấp thiết của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ban Tổ chức đã chọn lọc được 46 báo cáo khoa học chất lượng cao để trình bày và thảo luận tại hội nghị, tập trung vào hai chuyên đề chính: "Thực trạng và giải pháp chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên" và "Bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu - Thực trạng và giải pháp".

          Điểm nổi bật của hội nghị lần này là tập trung nhấn mạnh vào sự gắn kết giữa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị không chỉ là nơi trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm mà còn là không gian để khẳng định vai trò quan trọng của nữ trí thức Việt Nam trong việc đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

         Trong khuôn khổ Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV năm 2025, các sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do TS.BS. Hoàng Thị Ngọc Hà - Giảng viên chính Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế, Phó Chủ tịch Chi hội Chẩn đoán hình ảnh vú Việt Nam làm chủ nhiệm đã vinh dự được lựa chọn là 01 trong 20 gian hàng tiêu biểu trưng bày sản phẩm khoa học và công nghệ tại Hội nghị.

        Đề tài được triển khai trong giai đoạn 2022-2024 và đã hoàn thành nghiệm thu, được Hội đồng các cấp đánh giá rất cao về tính ứng dụng trong cộng đồng. Trong quá trình thực hiện, đề tài nhận được sự đóng góp quan trọng của nhóm nghiên cứu Hình ảnh học vú là các giảng viên Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh cùng với sự phối hợp chuyên môn từ các thầy cô chuyên ngành Sản phụ khoa, Ung bướu và Giải phẫu bệnh của Nhà trường.

Gian hàng của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự Hội nghị

         Đề tài mang tính khoa học cao, có yếu tố đổi mới, chú trọng tính ứng dụng thực tiễn, góp phần thiết thực vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói chung và phát hiện sớm ung thư vú ở phụ nữ nói riêng. Các sản phẩm khoa học của đề tài bao gồm: 01 luận văn thạc sĩ chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh, 03 bài báo đăng tạp chí chuyên ngành trong nước và 01 bài báo quốc tế; qua đó công bố kết quả nghiên cứu và đề xuất một phương pháp tiếp cận toàn diện trong phát hiện sớm ung thư vú thông qua gói “Tầm soát vú - Breast Check”.

Các sản phẩm khoa học của đề tài được trưng bày tại gian hàng

          Cách tiếp cận này được xây dựng dựa trên dữ liệu nghiên cứu thực tiễn về tình hình sàng lọc ung thư vú tại cộng đồng, mức độ nhận thức của người dân về các yếu tố nguy cơ và khả năng phát hiện sớm ung thư vú bằng siêu âm - một kỹ thuật phù hợp để triển khai tại tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, sản phẩm ứng dụng của đề tài tích hợp được xu hướng Y học hiện đại - Medicine 3.0, với trọng tâm là mô hình 5Ps: Dự báo (Predictive), Dự phòng (Preventive), Cá nhân hóa (Personalized), Tham gia chủ động (Participatory) và Chính xác (Precision) trong cách tiếp cận đa chiều từ đội ngũ chuyên môn, người dân và đơn vị quản lý y tế.

        Các sản phẩm ứng dụng từ đề tài bao gồm: Sách tham khảo, tài liệu hướng dẫn siêu âm tuyến vú cơ bản dành cho cán bộ y tế tuyến cơ sở và tờ thông tin hướng dẫn sàng lọc ung thư vú dành cho tất cả phụ nữ. Đây là những tài liệu thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả sàng lọc, dự phòng và phát hiện sớm ung thư vú trong cộng đồng.

         Thông qua Hội nghị Nữ khoa học toàn quốc lần thứ IV, nữ trí thức Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế đã thể hiện sứ mệnh, phát huy vai trò trong phát triển khoa học và công nghệ. Hội nghị lần này là sự kiện quan trọng, khẳng định những đóng góp to lớn của nữ trí thức Việt Nam cho sự nghiệp phát triển và xây dựng bền vững khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.

CÙNG CHUYÊN MỤC

Cựu sinh viên của hơn 50 năm trước trở về thăm Trường và trao tặng nhiều phần quà có ý nghĩa cho sinh viên

Tri ân, tưởng nhớ những đóng góp của cố GS. Trần Tiễn Sum và phong tặng danh hiệu Giáo sư thỉnh giảng cho GS. Trần Văn Nho

Chương trình “Tư vấn sức khỏe tình dục - giới và truyền thông phòng, chống HIV/AIDS” cho sinh viên năm thứ nhất năm học 2024-2025