Rắn cắn và rắn độc cắn vẫn còn là một vấn đề sức khỏe chưa được chú trọng trong cộng đồng, nọc độc rắn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân và có thể để lại di chứng xấu nếu không được sơ cấp cứu và điều trị bằng huyết thanh kháng nọc phù hợp. Thành phố Cần Thơ, thủ phủ của miền Tây Nam Bộ, được biết đến là một vùng đất miền sông nước với môi trường thích hợp cho sự phát triển của các loài rắn. Với những lý do đó, Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng, Trường Đại học Y Dược Huế hợp tác với Viện Y học Nhiệt đới Bernhard Nocht, Hamburg, CHLB Đức cùng với Sở Y tế TP Cần Thơ đã triển khai nghiên cứu "Dịch tễ học rắn cắn và quản lý các trường hợp rắn độc cắn" tại thành phố Cần Thơ, Việt Nam.
Vào tháng 01/2018, đoàn công tác gồm PSG.TS. Võ Văn Thắng - GĐ Viện NCSKCĐ; TS. Joerg Blessmann - Viện Y học Nhiệt đới Bernhard Noct đã thực hiện tiền trạm địa điểm nghiên cứu, đồng thời có chuyến làm việc với Sở Y tế thành phố tại TP. Cần Thơ. Qua đó, quyết định sẽ triển khai một nghiên cứu dựa vào cộng đồng và các buổi tập huấn về dự phòng, điều trị rắn độc cắn cho cán bộ y tế với sự hỗ trợ của nhóm nghiên cứu địa phương do BSCKII. Cao Minh Chu - PGĐ Sở Y tế TP. Cần Thơ làm điều phối viên.
Khảo sát tình hình rắn cắn trên địa bàn nghiên cứu lồng ghép với truyền thông kiến thức rắn cắn trong cộng đồng
Vào tháng 03/2018, nghiên cứu được chính thức tiến hành tại địa bàn TP. Cần Thơ với cỡ mẫu hơn 15.000 người dân. Mục tiêu chính của nghiên cứu đó là khảo sát số lượng người dân bị rắn cắn trong năm 2017 qua phỏng vấn trực tiếp các hộ dân được chọn ngẫu nhiên, từ đó tìm ra được tỉ lệ lưu hành của rắn cắn trong cộng đồng. Nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu thứ cấp về tình hình điều trị rắn cắn tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố từ 2015-2017 bao gồm Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, Bệnh viện Quân y 121 và một số bệnh viện tuyến huyện có bệnh nhân nhập viện điều trị rắn cắn, dữ liệu cần thu thập như thông tin về tình trạng rắn cắn, các triệu chứng lâm sàng cũng như cận lâm sàng của bệnh nhân, cách điều trị... được lấy trực tiếp từ bệnh án điều trị của bệnh nhân. Song song với các quá trình thu thập số liệu, nhóm nghiên cứu cũng đã tổ chức các buổi tập huấn về kiến thức cho cán bộ y tế chuyên trách tuyến huyện và thành phố với nội dung như các loài rắn độc có tại ĐB sông Cửu Long, hướng dẫn xử trí khi bị rắn độc cắn, cách điều trị đặc biệt là bằng huyết thanh kháng độc và các tác dụng phụ của nó.
Tập huấn về thu thập số liệu cũng như điều trị rắn cắn cho cán bộ địa phương
Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố vào cuối năm 2018 và đưa ra khuyến cáo tại địa phương, như Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2017 đã liệt rắn độc cắn vào danh sách các bệnh nhiệt đới bị cộng đồng xem nhẹ. Việc triển khai nghiên cứu dịch tễ học và các lớp tập huấn về rắn cắn của Viện NCSKCĐ đã góp phần nâng cao nhận thức và sự chú ý của cộng đồng nhiều hơn vào vấn đề này.