Thông báo cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” Đại học Huế lần thứ I, năm 2018
Để tạo dựng và phát huy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cán bộ và sinh viên; tìm kiếm, chọn lọc, ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tham gia cuộc thi các cấp, Đại học Huế tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” Đại học Huế lần thứ I, năm 2018. Cuộc thi nhằm giúp cán bộ và sinh viên có cơ hội tiếp cận với các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần để hiện thực hóa ý tưởng.
1. Đối tượng dự thi
- Đối tượng dự thi : cán bộ, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, HSSV đang học tập, nghiên cứu, công tác tại các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc, phân hiệu và các đơn vị trực thuộc Đại học Huế (gọi chung là các đơn vị);
- Mỗi cá nhân, nhóm có thể tham gia một hay nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
2. Phạm vi ý tưởng, dự án khởi nghiệp
- Các ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà Nhà nước không cấm (theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014)
- Khuyến khích ý tưởng khởi sự kinh doanh các ngành nghề sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chuyên môn của các đơn vị thành viên thuộc Đại học Huế, các ý tưởng sáng tạo, tư duy mới, độc đáo và phát triển bền vững.
- Ý tưởng khởi nghiệp có thể phát triển từ các mô hình đã và đang hoạt động trong thực tiễn ở địa phương, từ kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đặc biệt khuyến khích các ý tưởng sáng tạo và có hàm lượng khoa học cao.
- Khuyến khích thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp thuộc 05 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt bởi Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp dự thi có ứng dụng công nghệ như: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ xanh, công nghệ sạch, công nghệ vật liệu mới…nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng.
3. Hồ sơ dự thi: 01 bộ, được trình bày bằng tiếng Việt; kiểu chữ: Times New Roman; cỡ chữ: 14, bao gồm:
a) Phiếu đăng ký dự thi (theo mẫu M1);
b) Thuyết minh ý tưởng, dự án khởi nghiệp (theo mẫu M2);
c) Sản phẩm, mô hình, bản vẽ, phim ảnh, tài liệu,…kèm theo (nếu có).
4. Thời gian đăng ký, địa điểm và hình thức tiếp nhận hồ sơ dự thi:
a) Thời gian nhận hồ sơ dự thi: Từ ngày ra thông báo cho đến trước 17 giờ 00 ngày 10 tháng 7 năm 2018.
b) Thời gian công bố kết quả và trao giải thưởng: Tháng 9/2018.
c) Địa điểm nhận hồ sơ:
Ban Công tác học sinh, sinh viên Đại học Huế
Tầng 2, số 04 Lê Lợi, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Đt: 0234.3832816 - 0903593323 - 0913151696
Email: bancthssv@hueuni.edu.vn
d) Hình thức: Hồ sơ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện (nếu nộp qua đường bưu điện, thời gian được tính theo dấu bưu điện).
đ) Hồ sơ dự thi được tiếp nhận, xem xét, bảo mật thông tin cho đến ngày công bố kết quả cuộc thi. Ban tổ chức sẽ không trả lại hồ sơ đăng ký dự thi.
5. Các vòng thi
a. Vòng 1: Vòng sơ khảo (Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp)
Ban tổ chức tiến hành thu nhận các ý tưởng, dự án đăng ký tham gia cuộc thi, Đại học Huế thành lập hội đồng giám khảo (HĐGK) để chấm điểm, xét tuyển các hồ sơ dự thi xuất sắc tham gia vòng 2.
b. Vòng 2: Vòng bán kết (Phát triển kế hoạch khởi nghiệp)
Tổ chức gặp mặt nhóm tác giả tham gia cuộc thi được chọn vào vòng bán kết, hỗ trợ các nhóm hoàn thiện ý tưởng, đào tạo kỹ năng thuyết trình cho các nhóm, tổ chức kết nối cố vấn khởi nghiệp cho các ý tưởng, hỗ trợ lập kế hoạch, xây dựng mô hình kinh doanh. Các nhóm sẽ trình bày và trả lời các câu hỏi về dự án của mình trước HĐGK; HĐGK sẽ cho điểm và lựa chọn các ý tưởng, dự án tiếp tục tham gia Vòng chung kết. Các ý tưởng, dự án được chọn vào Vòng bán kết được Đại học Huế giới thiệu tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018.
c. Vòng 3: Vòng chung kết (Thực hiện kế hoạch khởi nghiệp)
Thí sinh đạt kết quả cao tại Vòng bán kết sẽ tiếp tục tham gia Vòng chung kết. Vòng chung kết được tổ chức với nhiều hoạt động nhằm tằng cường giao lưu, kết nối thí sinh với các nhà đầu tư. Thí sinh sẽ thuyết trình dự án trước HĐGK và trả lời các câu hỏi về ý tưởng, dự án khởi nghiệp của mình trước HĐGK. HĐGK cho điểm và lựa chọn các ý tưởng, dự án khởi nghiệp để trao các giải: Nhất, nhì, ba và khuyến khích.
6. Các tiêu chí đánh giá
Các thành viên của HĐGK sẽ tiến hành cho điểm các dự án tham gia cuộc thi theo các tiêu chí như sau:
- Tính sáng tạo và độc đáo của sản phẩm
- Giải quyết vấn đề của khách hàng
- Mô hình/kế hoạch kinh doanh hoàn thiện của ý tưởng, dự án
- Khả năng thương mại hoá, khả năng tăng trưởng của ý tưởng, dự án
- Nguồn lực thực hiện ý tưởng, dự án
- Khả năng thuyết trình
7. Cơ cấu giải thưởng và quyền lợi của các nhóm
Hội đồng giám khảo sẽ chấm điểm các ý tưởng khởi nghiệp tham gia Vòng chung kết cuộc thi để chọn ra các dự án đạt giải: Nhất, nhì, ba và khuyến khích.
a. Số lượng, giá trị giải thưởng:
- 01 giải nhất: 15.000.000đ + Giấy khen của Đại học Huế
- 01 giải nhì: 10.000.000đ + Giấy khen của Đại học Huế
- 01 giải ba: 5.000.000đ + Giấy khen của Đại học Huế
- Các giải khuyến khích: 2.000.000đ/giải + Giấy khen của Đại học Huế
- Các giải thưởng khác nếu có.
b. Các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải thưởng cao tại cuộc thi sẽ được Đại học Huế hỗ trợ ươm tạo thúc đẩy phát triển ý tưởng; được ưu tiên giới thiệu với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần; được hỗ trợ tư vấn triển khai ý tưởng khởi nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tế; được giới thiệu tham gia ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2018 (Techfest 2018) do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
c. Tất cả tác giả của các ý tưởng khởi nghiệp được chọn vào Vòng bán kết sẽ được Ban tổ chức cấp Giấy chứng nhận tham gia cuộc thi.
8. Trách nhiệm của các nhóm tham gia cuộc thi
a. Thực hiện các quy định của Thể lệ cuộc thi, không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định và chịu trách nhiệm về các thông tin khai trong hồ sơ dự thi; sản phẩm dự thi không phải là đối tượng tranh chấp bản quyền tác giả. Các ý tưởng, dự án dự thi muốn được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phải tiến hành đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền trước khi chấm thi và công bố giải.
b. Không sử dụng các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đã dự thi đạt giải và đã được công bố công khai dưới mọi hình thức như: Báo, đài, phương tiện thông tin đại chúng…, cam kết tham gia đầy đủ các hoạt động xuyên suốt cuộc thi.
c. Cam kết không sao chép một phần hay toàn bộ ý tưởng của những ý tưởng đã được đưa vào sử dụng của các cá nhân, nhóm tác giả, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước.
d. Trong trường hợp việc tranh chấp bản quyền tác giả phát sinh sau khi ý tưởng, dự án dự thi đoạt giải, nhóm sở hữu ý tưởng, dự án dự thi đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
e. Mọi chi phí hay khoản nộp thuế liên quan đến giải thưởng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, chi phí đó do nhóm tác giả đạt giải thưởng chịu trách nhiệm.
9. Quyền của Ban tổ chức
a. Đại học Huế là đơn vị tổ chức cuộc thi, được toàn quyền trong việc thành lập Hội đồng giám khảo của các vòng thi, chấm điểm, tổ chức thi các vòng và trao giải thưởng cuộc thi;
b. Ban tổ chức được toàn quyền đưa tin, ghi âm, ghi hình, chụp hình, tường thuật trực tiếp cuộc thi với mục đích quảng bá cho chương trình, các hoạt động khuyến khích học tập, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp tại Đại học Huế.